Hằng năm ngộ độc thực phẩm do rượu vẫn xảy ra tại quy mô hộ gia đình thường ở các địa phương, xảy ra hầu hết các tháng trong năm, tập trung chủ yếu từ tháng 1 đến tháng 3 nhất là trong dịp tết Nguyên đán và mùa Lễ hội Xuân. Tết Nguyên đán Ất Mùi và mùa Lễ hội Xuân 2015 đang đến gần. Thời gian nghỉ Tết năm nay kéo dài, đồng thời sau Tết Nguyên đán là mùa Lễ hội. Đây cũng là thời điểm người dân có nhu cầu sử dụng rượu rất cao về số lượng. Lượng rượu tiêu thụ vào dịp Tết, Lễ là rất lớn, đa dạng về chủng loại và chất lượng, trong số đó rất nhiều loại rượu giả, rượu lậu, rượu tự pha không công bố tiêu chuẩn sản phẩm đang được lưu hành tự do trên thị trường; cùng với ý thức chủ quan của người tiêu dùng. Nếu lạm dụng trong việc sử dụng rượu hoặc chúng ta sử dụng rượu không đảm bảo an toàn thực phẩm rất dễ gây ra ngộ độc thực phẩm do rượu.
Hoàn cảnh xảy ra ngộ độc rượu do người dân sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, không được cấp chứng nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm, sản phẩm do người tiêu dùng tự pha chế và nấu sẵn, tự ngâm động vật, thực vật có độc để uống, do gian lận thương mại, đặc biệt là tình trạng sử dụng Methanol làm tăng độ cồn trong rượu gây ra rất nhiền trường hợp ngộ độc và tử vong trong cộng đồng.
Ngộ độc rượu (Say rượu) là hậu quả nhiễm độc nhất thời khi uống rượu vượt quá mức chấp nhận của cơ thể dẫn đến các biểu hiện bất thường của hệ thần kinh và các hành vi không bình thường khác. Ngộ độc rượu biểu hiện ở các mức độ khác nhau từ nhẹ (không kiềm chế cảm xúc, dễ tức giận, nổi nóng, đi đứng xiêu vẹo) đến nặng với các biểu hiện nôn nhiều, vã mồ hôi, hôn mê, mạnh nhanh, thở nông, hạ huyết áp có thể tử vong nếu không được cấp cứu.
Để bảo đảm sức khỏe người dân, ngặn chặn hiệu quả các hành vi sản xuất, kinh doanh rượu không đảm bảo an toàn thực phẩm, hạn chế tối đa các vụ ngộ độc do rượu gây ra; nhất là trong thời điểm cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2015 nhu cầu sử dụng rượu tăng cao. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố khuyến cáo tới người tiêu dùng:
1. Không uống quá nhiều rượu (<30 ml/ người/ngày nồng độ từ 30 độ trở lên/ ngày).
2. Không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng Methanol >0,05% vì nguy cơ gây mù mắt và tử vong cao.
KHÔNG UỐNG RƯỢU KHI:
+ Không biết đó là rượu gì;
+ Rượu không rõ nguồn gốc;
+ Rượu không có giấy chứng nhận lưu hành của cơ quan chức năng có thẩm quyền.
3. Không uống rượu pha chế, rượu ngâm với lá, rễ cây độc, phủ tạng động vật không rõ ràng độc tính, mật cá, hay những rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân.
4. Cấm trẻ em dưới 16 tuổi uống rượu, bia; cấm người chưa thành niên(dưới 18 tuổi) uống rượu hoặc các loại nước uống có nồng độ cồn từ 14 độ trở lên.
Mặt khác các cơ quan chức năng cần phải tăng cường kiểm soát thường xuyên, hiệu quả nhất là trong các dịp Lễ, Tết nhằm ngăn ngừa việc sản xuất kinh doanh rượu không an toàn thực phẩm của người dân trên địa bàn, đặc biệt là các cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể, hộ gia đình, khu vực vùng sâu, vùng xa. Phát hiện sớm và sử lý nghiêm các vi phạm, công khai trên các phương tiện thông tin để cảnh báo cho người tiêu dùng.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hải Phòng