Chào mừng đến với Cổng thông tin điện tử  Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thành phố Hải Phòng
Kế hoạch triển khai đợt thanh tra, kiểm tra liên ngành về bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn năm 2012

         Tết Nguyên đán là dịp toàn dân tăng cao nhu cầu sử dụng thực phẩm về số lượng và chủng loại. Nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) cho người dân, căn cứ Luật An toàn thực phẩm năm 2010, Chỉ thị số 08/1999/CT-TTg ngày 15/4/1999 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP); Chỉ thị số 06/2007/CT-TTg ngày 28/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các biện pháp cấp bách bảo đảm VSATTP, Chỉ thị số 07/CT-BYT ngày 06/12/2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế, phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo liên ngành (BCĐ LN) Trung ương về VSATTP về việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn; thực hiện Kế hoạch triển khai đợt thanh tra, kiểm tra liên ngành về bảo đảm ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012 số 20/KH-BCĐTƯVSATTP ngày 25/11/2011 của BCĐ LN VSATTP TW, chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng tại công văn số 7719/UBND-VX ngày 07/12/2011 về việc triển khai đợt thanh tra, kiểm tra ATTP Tết Nhâm Thìn 2012; Ban Chỉ đạo LN về VSATTP thành phố Hải Phòng xây dựng Kế hoạch triển khai đợt thanh tra, kiểm tra liên ngành về ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn năm 2012 như sau: 

        I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU 
        1. Đánh giá thực trạng công tác quản lý nhà nước về ATTP của các cấp, các ngành từ thành phố đến huyện, xã, việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, dịch vụ ăn uống. Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về bảo đảm ATTP, hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, góp phần làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. 
        2. Thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán như thịt, sản phẩm từ thịt, bia, rượu, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo... Trong đó chú trọng những cơ sở có dấu hiệu vi phạm các quy định về bảo đảm ATTP. 
        3. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục các kiến thức, quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP, nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng trong công tác bảo đảm ATTP. 

        II. ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG 
        1. Đối tượng thanh tra, kiểm tra 
        Các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, dịch vụ ăn uống, các cơ sở kinh doanh phụ gia thực phẩm; chú trọng các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tươi sống, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm an toàn, các loại thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán. Đối với các cơ sở kinh doanh, các đoàn của thành phố sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra tại nơi cung cấp thực phẩm với số lượng lớn như các chợ đầu mối, siêu thị, cơ sở thương mại tập trung, đại lý lớn và các cơ sở nhập khẩu thực phẩm. Đối với các cơ sở vừa và nhỏ (theo phân cấp) sẽ chủ yếu do cấp huyện, xã thực hiện thanh tra, kiểm tra. 
        2. Nội dung: tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, dịch vụ ăn uống theo quy định tại các văn bản: 
        - Luật An toàn thực phẩm năm 2010; 
        - Quyết định số 39/2005/QĐ-BYT ngày 28/12/2005 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành “Quy định về các điều kiện vệ sinh chung đối với cơ sở sản xuất thực phẩm”; 
        - Quyết định số 41/2005/QĐ-BYT ngày 08/12/2005 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành "Quy định điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh, dịch vụ, phục vụ ăn uống"; 
        - Quyết định số 42/2005/QĐ-BYT ngày 08/12/2005 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành "Quy chế công bố tiêu chuẩn sản phẩm thực phẩm"; 
        - Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 của Chính phủ về ghi nhãn hàng hóa; 
        - Quyết định số 43/2005/QĐ-BYT ngày 08/12/2005 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành "Quy định yêu cầu kiến thức về VSATTP đối với người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm"; 
        - Quyết định số 21/2007/QĐ-BYT ngày 12/3/2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành "Quy định yêu cầu sức khỏe đối với người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; 
        - Quyết định số 11/2006/QĐ-BYT ngày 09/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành "Quy chế cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao"; 
        - Các văn bản khác của Bộ Y tế và các bộ liên quan quy định về bảo đảm ATTP. 
        Trong quá trình thanh tra, kiểm tra tập trung xem xét các nội dung: 
        - Giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP; 
        - Giấy chứng nhận sức khỏe đối với chủ cơ sở và người lao động; 
        - Giấy chứng nhận tập huấn kiến thức VSATTP của chủ cơ sở và người lao động; 
        - Hồ sơ công bố tiêu chuẩn sản phẩm đối với những sản phẩm bắt buộc phải công bố tiêu chuẩn; 
        - Nhãn sản phẩm hàng hóa thực phẩm; 
        - Tài liệu quảng cáo, hồ sơ đăng ký quảng cáo; 
        - Hồ sơ nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, nguyên liệu, phụ gia thực phẩm; 
        - Hồ sơ theo dõi về chất lượng sản phẩm; 
        - Điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ, điều kiện về con người; 
        - Các quy định khác của pháp luật có liên quan; 
        - Lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu ATTP khi cần thiết. 

        III. PHƯƠNG PHÁP 

        Cơ quan quản lý nhà nước về ATTP các cấp thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành và chuyên ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra trực tiếp tại cơ quan quản lý cấp dưới và cơ sở thực phẩm. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra thực hiện theo quy trình chung tiến hành các cuộc thanh tra, trong đó chú trọng: 
        - Nghe báo cáo việc chấp hành các quy định bảo đảm ATTP của cơ sở; 
        - Thu thập tài liệu liên quan; 
        - Kiểm tra thực tế cơ sở thực phẩm, sản phẩm thực phẩm; 
        - Lấy mẫu để kiểm nghiệm xác định các chỉ tiêu ATTP; 
        - Làm thử nghiệm nhanh (khi cần thiết); 
        - Lập biên bản thanh tra, biên bản vi phạm hành chính (nếu có); 
        - Phân tích, đánh giá hồ sơ liên quan ATTP; 
        - Phân tích, đánh giá kết quả kiểm nghiệm để hoàn thành báo cáo; 
        Kết thúc đợt thanh tra, kiểm tra, các đoàn tiến hành nhận xét, đánh giá việc thực hiện quy định bảo đảm ATTP và đề xuất các giải pháp tăng cường quản lý. 

        IV. XỬ LÝ VI PHẠM 
        1. Các căn cứ pháp lý để xử lý vi phạm 
        - Luật An toàn thực phẩm năm 2010; 
        - Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002; Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi năm 2007; 2008; 
        - Nghị định số 45/2005/NĐ-CP ngày 06/4/2005 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế; 
        - Nghị định số 06/2008/NĐ-CP ngày 16/01/2008 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại; 
        - Nghị định số 112/2010/NĐ-CP ngày 01/12/2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2008/NĐ-CP; 
        - Nghị định số 54/2009/NĐ-CP ngày 05/6/2009 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa; 
        - Các Nghị định khác của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan bảo đảm ATTP; 
        2. Hướng dẫn xử lý vi phạm trong quá trình thanh tra, kiểm tra 
        - Các đoàn thanh tra, kiểm tra khi phát hiện vi phạm phải thực hiện xử lý theo đúng quy định của pháp luật, tuyệt đối không để các sản phẩm không bảo đảm ATTP, không rõ nguồn gốc, không nhãn mác hoặc có các vi phạm khác lưu thông trên thị trường hoặc các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống không bảo đảm điều kiện ATTP tiếp tục hoạt động khi chưa thực hiện các biện pháp khắc phục có hiệu quả. 
        - Trong quá trình thanh tra, xử lý các vi phạm, khi cần thiết, các đoàn của thành phố chuyển hồ sơ vi phạm cho địa phương có cơ sở được thanh tra, kiểm tra để xử lý. Các đoàn thanh tra, các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương ngoài việc xử lý các trường hợp vi phạm được pháp hiện trong quá trình thanh tra, kiểm tra có trách nhiệm xử lý kịp thời, triệt để các trường hợp vi phạm do các đoàn của thành phố giao theo quy định của pháp luật. 

        V. TRIỂN KHAI THỰC HIỆN 
        1. Thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành thành phố 
        Ban Chỉ đạo liên ngành về VSATTP thành phố thành lập Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành gồm 02 đoàn: Đoàn I và Đoàn II. 
        Sở Y tế chủ trì và phối hợp với các Sở liên quan thành lập Đoàn I. Sở Công thương chủ trì và phối hợp với các Sở liên quan thành lập Đoàn II. 
        - Trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành: phó giám đốc Sở Y tế, phó BCĐ LN VSATTP thành phố.
Thành phần Đoàn I như sau:
1. Trưởng đoàn: chánh thanh tra Sở Y tế
2. Phó đoàn thường trực: chi cục trưởng Chi cục ATVSTP
3. Phó đoàn: trưởng phòng Thanh tra Chi cục ATVSTP
4. Thư ký: cán bộ thanh tra Chi cục ATVSTP
5. Thành viên: 
    - 01 cán bộ phòng Nghiệp vụ Chi cục ATVSTP 
    - 01 cán bộ khoa Xét nghiệm Trung tâm Y tế dự phòng thành phố 
    - 01 cán bộ Chi cục Quản lý thị trường 
    - 01 cán bộ Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 
    - 01 cán bộ Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an Thành phố 
    - 01 cán bộ Chi cục Quản lý CL Nông Lâm và Thủy sản, Sở NN-PTNN 
    - 01 cán bộ Sở Công Thương
Khi đoàn đến làm việc tại địa phương nào, mời 01 cán bộ Phòng Y tế và 01 cán bộ Trung tâm Y tế của địa phương đó tham gia đoàn;
Mời đại diện Chi cục Thú y, Chi cục Bảo vệ thực vật, Đài PTTH Hải Phòng, đại diện báo và chính quyền địa phương tham gia khi có yêu cầu. 
        
        2. Thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành địa phương 
        Tuỳ theo tình hình thực tế địa phương, Ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP các quận, huyện thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành. Thành phần tham gia các đoàn bao gồm các phòng, ban liên quan của địa phương, tiến hành thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống (theo phân cấp); đồng thời phối hợp với các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành của thành phố tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm về bảo đảm ATTP (nếu có) của các cơ sở thực phẩm theo kế hoạch cụ thể của đoàn thành phố. 

        3. Phân bổ thời gian thực hiện 
        Từ ngày 19/12/2011 đến ngày 31/01/2012; các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành thành phố tiến hành thanh tra, kiểm tra các đối tượng cơ sở, địa bàn được phân công; các địa phương tiến hành thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở thuộc địa bàn quản lý (bao gồm cả trước, trong và sau Tết Nguyên đán).
Báo cáo kết quả: các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành của thành phố và các địa phương báo cáo nhanh kết quả thanh tra về Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố trước ngày 15/01/2012 theo địa chỉ: thanhtratphp@gmail.com và báo cáo tổng hợp kết quả đợt thanh tra về Chi cục ATVSTP trước ngày 01/02/2012 để tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo LN thành phố về VSATTP, Uỷ ban nhân dân thành phố và BCĐ TW về VSATTP. 

        VI. BẢO ĐẢM HẬU CẦN 
        1. Nguồn kinh phí có thể huy động:
- Kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia VSATTP năm 2011 và 2012;
- Kinh phí hỗ trợ của các địa phương cho công tác ATTP và các nguồn kinh phí hỗ trợ khác (nếu có). 
        
        2. Phương tiện:
- Chi cục ATVSTP bố trí phương tiện cho Đoàn I./.


Nơi nhận:                                                                                                             
- UBND thành phố; (để                                                                                            KT. TRƯỞNG BAN
- Cục ATVSTP; báo cáo)                                                                                     PHÓ BAN THƯỜNG TRỰC
- Ô. Lê Khắc Nam, PCT UBND TP; (để báo cáo)
- Các Sở, Ngành, đ/vị liên quan; (để phối hợp
- BCĐ LN VSATTP quận/huyện; thực hiện)
- Chi cục ATVSTP, TTYTDP TP; (để thực hiện)
- P. YT, TTYT quận/huyện; (để thực hiện)                                                           GIÁM ĐỐC SỞ Y TẾ
- Lưu: VT, ATTP.                                                                                                      Phan Trọng Khánh

Thông tin mới nhất




Đăng nhập